• Gợi ý từ khóa:
  • Máy in hóa đơn, Máy quét mã vạch, Phần mềm bán hàng...

So sánh công nghệ RFID với công nghệ mã vạch

Hiện nay, trong lĩnh vực quản lý hàng hoá và bán lẻ, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp phân phối đang sử dụng song song hai công nghệ thu thập dữ liệu tự động, đó là công nghệ mã vạch (Barcodes) và công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - Nhận dạng tần số sóng vô tuyến).

Công nghệ RFID có những ưu, nhược điểm gì? Công nghệ này có những đặc điểm gì nổi trội so với công nghệ mã vạch? Trong bài viết này, HACODE sẽ so sánh công nghệ RFID với công nghệ mã vạch nhằm giúp bạn tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó.


I. Công nghệ mã vạch là gì?


Các loại mã vạch phổ biến


Trong thời đại ngày nay, mã vạch (Barcode) đã trở nên phổ biến trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Các thông tin về hàng hoá được mã hoá theo các quy ước quốc tế và được in lên trên bề mặt tem nhãn hoặc bao bì sản phẩm thông qua máy in mã vạch. Sau đó, mã vạch này sẽ được quét bởi máy quét mã vạch nhằm thu lấy thông tin trong mã vạch rồi truyền vào máy tính nhằm phục vụ công tác lưu kho hoặc thanh toán đơn hàng cho khách.


II. Công nghệ RFID là gì?



RFID là từ viết tắt của cụm từ Radio Frequency Identification, nghĩa là Nhận dạng tần số sóng vô tuyến. Đây là kĩ thuật nhận dạng từ xa bằng sóng vô tuyến, cho phép đọc dữ liệu trên 1 con chip ở khoảng cách 50cm đến 10m.

Hai thành phần của công nghệ RFID bao gồm:

Thành phần thứ nhất là chiếc thẻ nhỏ có gắn chip silicon cùng angten radio.

Thành phần thứ hai là bộ đọc để giao tiếp với thẻ nhãn rồi truyền dữ liệu về máy tính trung tâm.

Bộ nhớ của con chip có thể chứa từ 96 đến 512 bit dữ liệu, tức là nhiều gấp 64 lần so với khả năng lưu trữ thông tin của một mã vạch. Những thông tin được lưu trữ trong con chip có thể thay đổi nhờ sự tương tác của bộ đọc.

Do có dung lượng lưu trữ cao, thẻ RFID có thể cung cấp cho người sử dụng một lượng thông tin đa dạng về sản phẩm như thời gian lưu trữ, ngày bày bán, giá cả, nhiệt độ bảo quản...

Với công nghệ RFID, việc nhận dạng sản phẩm sẽ diễn ra ngay lập tức và tự động. Con chip trên thẻ RFID có gắn angten radio để chuyển tín hiệu đến bộ đọc. Sau khi nhận được tín hiệu, bộ đọc sẽ chuyển đổi sóng radio từ thẻ RFID sang một mã liên quan đến việc xác định thông tin trong một cơ sở dữ liệu của máy tính.


Chip RFID


III. Ưu, nhược điểm của công nghệ RFID so với công nghệ mã vạch


Ưu điểm:

- Máy quét mã vạch phải sử dụng một cảm biến và tia lazer để quét mã vạch. Do đó nó cần tầm nhìn thông thoáng, không bị vật cản để có thể quét được mã vạch trên bề mặt sản phẩm. Ngược lại, bộ đọc RFID sử dụng sóng vô tuyến (sóng radio) để thu thập dữ liệu về sản phẩm có trong thẻ nên không bị cản trở về mặt vật lý.

- Thẻ RFID có thể được bộ đọc xác định vị trí từ xa một cách nhanh chóng, miễn là nằm trong phạm vi bắt sóng của bộ đọc (phạm vi này có thể lên tới vài chục mét). Trong khi đó, khoảng cách tối đa để máy quét mã vạch có thể đọc được mã vạch sản phẩm chỉ vào khoảng 4,5m.

- Đầu đọc mã vạch chỉ nhận diện được 1 mã vạch tại 1 thời điểm, do đó nếu có nhiều sản phẩm cần quét mã vạch thì bạn phải quét mã lần lượt cho từng sản phẩm đó. Còn bộ đọc RFID có thể nhận diện được nhiều sản phẩm cùng một lúc, nên hiệu suất làm việc của nó cao hơn.

- Về độ bảo mật: Mã vạch có thể bị sao chép và làm giả, còn RFID phức tạp và an toàn hơn nhiều (dữ liệu trong thẻ được mã hoá, được bảo vệ bằng mật khẩu, khi cần có thể format dữ liệu để xoá vĩnh viễn thông tin có trong thẻ).

- Mã vạch phải được dán trực tiếp trên bề mặt sản phẩm (hoặc được in trên bao bì sản phẩm) để cho con người hoặc các loại máy quét mã vạch có thể đọc được. Trong khi đó, thẻ chip RFID có lớp vỏ nhựa bảo vệ bên ngoài, tránh được tác động của môi trường và thời tiết. Do đó thẻ RFID có độ bền cao hơn rất nhiều so với các tem mã vạch và có thể tái sử dụng nhiều lần.

- Thông tin trên mã vạch in ra là cố định. Còn thẻ chip RFID có 2 dạng là: thẻ chỉ đọc (readable) và thẻ có thể ghi (writeable). Loại thẻ RFID có thể ghi cho phép xoá dữ liệu cũ và ghi thêm dữ liệu mới nên bạn có thể tái sử dụng nó nhiều lần.

- Lượng thông tin về sản phẩm được lưu trữ trong thẻ RFID luôn nhiều hơn so với lượng thông tin mà một mã vạch có thể lưu giữ.

- Hệ thống RFID có tính tự động hoá cao nên cần rất ít sự tham gia của con người, trong khi đó, đầu đọc mã vạch và máy in mã vạch vẫn cần đến nhiều thao tác của người dùng.


Nhược điểm:

- Về mặt chi phí, công nghệ RFID cần chế tạo và lắp ráp con chip vi mạch nên giá thành cao hơn rất nhiều so với chi phí để làm ra 1 con tem in mã vạch.

- Kích thước và khối lượng của con chip là rất lớn khi đem so với tem nhãn mã vạch. Do đó việc sử dụng RFID có sự bất tiện so với khi dùng tem nhãn mã vạch

- Có thể xảy ra tình trạng nhiễu loạn tần số thẻ RFID khi có một lượng lớn thẻ trong cùng một khu vực đều đồng thời đáp trả tín hiệu của bộ đọc.

- Vì có 2 loại thẻ chip RFID là thẻ chỉ đọc (readable) và thẻ có thể ghi (writeable), mà 2 loại thẻ này lại không thể dùng chung bộ đọc tín hiệu nên bạn phải đầu tư riêng bộ đọc cho từng loại thẻ RFID.


IV. Ứng dụng của công nghệ RFID


Thẻ chip RFID có thể đính lên sản phẩm ở bất kì lĩnh vực nào, từ đồ uống, thực phẩm, quần áo, giày dép, ... Các doanh nghiệp chỉ việc sử dụng máy tính để quản lý từ xa các sản phẩm.

Công nghệ RFID không chỉ có khả năng xác định nguồn gốc của sản phẩm, mà còn giúp nhà cung cấp và đại lý bán lẻ biết chính xác thông tin của các mặt hàng đang bày bán trên quầy và hàng trong kho của họ. Các cửa hàng bán lẻ cũng không còn phải kiểm kho, không sợ giao nhầm hàng, biết được mọi sản phẩm mà cửa hàng đang kinh doanh, và biết cả khách hàng ra, vào đang mang theo sản phẩm gì.

Khi được gắn vào sản phẩm, ngay lập tức thẻ RFID sẽ phát ra tín hiệu vô tuyến cho ta biết sản phẩm đó đang nằm ở chỗ nào. Tín hiệu đó được truyền tới máy tính có kết nối mạng ở trong cửa hàng nên các nhân viên bán hàng có thể biết rõ mọi thông tin về sản phẩm.

Nhờ có công nghệ RFID, bạn sẽ giảm thiểu sai sót về địa điểm, dây chuyền cung ứng, ăn cắp sản phẩm lên tới 90%, tăng hiệu suất lên 12 đến 15%, tiết giảm thời gian kiểm đếm và quản lý sản phẩm lên tới 35-40%, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu về lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.


Hiện nay, công nghệ RFID đã được ứng dụng trong các thiết bị an ninh siêu thị như cổng từ an ninh, tem từ cứng, tem từ mềm..., trong lĩnh vực quản lý tự động (quản lý nhân sự, quản lý hàng hoá ra vào kho, quản lý xe qua trạm thu phí).

Tiềm năng ứng dụng của công nghệ RFID trong tương lai còn rất nhiều. Một ví dụ dễ thấy nhất là ứng dụng vào việc thanh toán tự động tại các siêu thị. Con chip RFID sẽ được gắn vào từng sản phẩm, khách hàng chỉ việc đến siêu thị lựa chọn sản phẩm mình cần mua. Khi khách hàng bước qua cổng tự động có tích hợp bộ đọc RFID, toàn bộ thông tin về các sản phẩm mà khách hàng đã mua sẽ được bộ đọc tín hiệu RFID quét rồi hiển thị lên màn hình máy tính. Sau đó bill sẽ được in ra từ máy in bill nhiệt, đồng thời số tiền cần thanh toán sẽ được tự động trừ vào tài khoản ngân hàng của khách. Nhờ vậy, khách hàng không còn phải tốn thời gian chờ đợi xếp hàng thanh toán tại quầy thu ngân, còn siêu thị thì tiết kiệm được chi phí cho các biện pháp an ninh, giảm nhầm lẫn khi thanh toán, tránh mất cắp hàng hoá.


Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về giải pháp mã vạch hoặc RFID xin vui lòng liên hệ tới công ty cổ phần giải pháp HACODE theo số hotline: 0942.85.82.85. Chúng tôi sẽ hỗ trợ quý khách trong thời gian sớm nhất.

--------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm thông tin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN GIẢI PHÁP HACODE
VP Hà Nội: số 33 ngõ 71 Nguyễn Thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024.7300.1138 - Hotline 0942.85.82.85
VP HCM: 812 Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình, HCM
Điện thoại: 028.7300.1138 - Hotline 0944.774.111
Email: kinhdoanh@hacode.vn
Website: www.hacode.vn
HACODE.VN
HACODE.VN
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

.
.
0942.85.82.85